Hậu quả và di sản Trục xuất người Triều Tiên ở Liên Xô

Việc chuyển giao cưỡng bức này đã đánh dấu tiền lệ cho các sự kiện trục xuất sau này của Stalin trong và sau Chiến tranh thế giới thứ hai,[44] khi nhiều dân tộc khác bị trục xuất.[40] Mặc dù chính sách phi kulak hóa trước đó mục đích là chống lại địa chủ, những người nông dân giàu có, bị coi là "kẻ thù của nhân dân", người Triều Tiên bị trục xuất thuộc mọi tầng lớp, và hầu hết đều là nông dân nghèo.[26]

Sau cái chết của Stalin vào năm 1953, nhà lãnh đạo mới của Liên Xô Nikita Sergeyevich Khrushchyov bắt đầu quá trình phi Stalin hóa, đảo ngược nhiều chính sách trước đây của Stalin.[45] Trong bài phát biểu vào năm 1956, Khrushchyov đã lên án việc trục xuất người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, ông không đề cập đến những người Triều Tiên trong số những người bị trục xuất này.[39] Năm 1957 và 1958, người Triều Tiên bắt đầu đệ đơn lên chính quyền Liên Xô, yêu cầu bồi thường.[40]

Từ năm 1959 đến năm 1979, số lượng người Triều Tiên tăng 24% ở Kazakhstan; 18% ở Uzbekistan; 299% ở Kyrgyzstan và 373% ở Tajikistan.[36] Một trong những hậu quả lớn nhất của chính sách này là các thế hệ mới dần đánh mất văn hóa và ngôn ngữ của họ.[36] Theo Điều tra dân số Liên Xô năm 1970, từ 64% đến 74% người Triều Tiên nói tiếng Triều Tiên như ngôn ngữ mẹ đẻ, nhưng đến đầu những năm 2000, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 10%.[46]

Vào ngày 14 tháng 11 năm 1989, Hội đồng tối cao của Liên Xô tuyên bố tất cả các vụ trục xuất Stalin là bất hợp pháp.[47] Vào ngày 26 tháng 4 năm 1991, Xô Viết Tối cao của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga, dưới quyền chủ tịch Boris Nikolayevich Yeltsin, đã thông qua luật Về việc phục hồi các dân tộc bị đàn áp với Điều 2 công nhận tất cả các vụ trục xuất hàng loạt là chính sách diệt chủng của Stalin.[48]

Vào những năm 2000, những người Triều Tiên hậu Xô Viết bắt đầu mất đi sự gắn kết văn hóa, do các thế hệ mới không nói tiếng Triều Tiên nữa, trong khi 40% các cuộc hôn nhân là hỗn hợp. Cũng trong khoảng thời gian đó, một số người Koryo-saram đã sang vùng Viễn Đông của Nga, tìm hiểu xem liệu có thể di cư trở lại khu vực đó và có được một khu tự trị của Triều Tiên hay không, nhưng không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ chính quyền Nga hoặc người dân địa phương. Cuối cùng, họ đã từ bỏ ý tưởng.[49]

Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, năm 2013 có 176.411 người Triều Tiên sống ở Liên bang Nga, 173.832 người ở Uzbekistan và 105.483 người ở Kazakhstan.[50]

Quan điểm hiện đại

Nhà sử học người Nga Pavel Markovich Polian coi tất cả các vụ trục xuất toàn bộ các nhóm dân tộc trong thời kỳ của Stalin là tội ác chống lại loài người.[51] Ông kết luận rằng lý do thực sự của việc trục xuất là một phần chính sách "thanh lọc vùng biên giới" của Stalin đối với các vùng phía tây và phía đông của Liên Xô.[6]

Học giả người Kazakhstan-Triều Tiên, German Nikolaevich Kim cho rằng một trong những lý do dẫn đến việc trục xuất có thể là nhằm áp bức các dân tộc thiểu số có thể gây ra mối đe dọa cho hệ thống xã hội chủ nghĩa hoặc như một con bài thương lượng chính trị, củng cố các khu vực biên giới với Trung Quốc và Nhật Bản.[31] Ngoài ra, Kim chỉ ra rằng 1,7 triệu người đã thiệt mạng trong nạn đói ở Kazakhstan năm 1931–33, trong khi một triệu người nữa chạy khỏi Kazakhstan, gây ra tình trạng thiếu lao động, bởi vậy Stalin đã tìm cách bù đắp bằng cách trục xuất các sắc tộc khác ra đó.[52] Học giả Vera Tolz từ Đại học Manchester coi việc trục xuất người Triều Tiên này là một ví dụ về chính sách phân biệt chủng tộc ở Liên Xô.[53] Terry Martin, một giáo sư ngành Nga học, coi sự kiện này là thanh lọc sắc tộc.[54] Alexander Kim, Phó Giáo sư tại Học viện Nông nghiệp Nhà nước Primorye, đồng ý rằng người Triều Tiên ở Liên Xô là những nạn nhân đầu tiên của sự đàn áp dân tộc ở Liên Xô, trái ngược với các cam kết bình đẳng cho tất cả mọi người.[55] Farid Shafiyev, chủ tịch Trung tâm Phân tích Quan hệ Quốc tế có trụ sở tại Baku, giả định rằng chính sách của Liên Xô luôn là sự Nga hóa các vùng biên giới.[7][8]